Hiện tượng El Nino đối với Việt Nam

Từ đầu tháng 5, nước ta ghi nhận nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt đỉnh kỉ lục từ trước đến nay như huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) 44,1 độ ngày 6/5; ngay sau đó là 44,2 độ ở Tương Dương (Nghệ An) vào ngày 7/5, và hiện tại số ngày nắng trong tháng, số giờ nắng gắt trong ngày vẫn còn cao. Điều đó đánh dấu cho sự bắt đầu trở lại mạnh mẽ của hiện tượng El Nino.

“El Nino” (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đứa con của Chúa hay còn gọi là bé Hài Đồng nam) là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 – 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 – 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

El Nino làm cho thời tiết  toàn cầu trở nên nắng nóng gay gắt

Ngược lại với El Nino là hiện tượng “La Nina” (hay còn gọi là bé Hài Đồng nữ) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Để thể hiện sự ngược nhau giữa hai hiện tượng này có khi người ta dùng khái niệm Anti-El Nino (đối El Nino). Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.

Kể từ 2020 đến 2022, nước ta trải qua các năm La Nino gây mưa nhiều, bão lớn gây lũ lụt nặng ở các tỉnh miền Trung thì sau vài tháng ngắn thời tiết trung tính, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện từ tháng 5/2023. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia El Nino có thể sẽ kéo dài đến năm 2024 với xác suất 70 – 80%.

El Nino gây ra hiện tượng nắng nóng cực đoan, nhiệt độ trung bình của các tháng cao hơn cùng kì các năm bình thường. Trong thời gian tới, nắng nóng có thể nhiều hơn và sẽ ghi nhận thêm nhiều kỉ lục mới về nhiệt độ. El Nino còn tạo nên sự chênh lệch cao về nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè, sự chênh lệch thể hiện rõ rệt hơn từ Bắc vào Nam.

Hoạt động của El Nino làm giảm hoạt động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5 – 7 xoáy thuận nhiệt đới bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Các cơn mưa tập trung chủ yếu vào giữa mùa, kết thúc sớm hơn bình thường, mang tính chất dị thường cả về cường độ và quỹ đạo.

Hiện nay với tình trạng nắng nóng khốc liệt, lượng mưa ít gây nên hạn hán, thiếu nước trong cục bộ ở nhiều nơi, nhất là khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh còn làm cho một số hồ thủy điện ở đang rơi vào tình trạng nước trong hồ đã chạm mực nước chết gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

El Nino còn làm cho tình hình xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng, diễn biến khó lường hơn so với bình thường. Nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt người dân, nước cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là khu vực các tỉnh ven biển, hải đảo đang đứng trước nguy cơ khan hiếm.

Hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đang khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách để ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới.

Nguồn: Tổng hợp