Chất thải rắn chứa nhiều tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu chúng ta không có biện pháp xử lý, tận dụng sử dụng chúng một cách hợp lý. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, con người chỉ mất 05 giây để vứt rác bừa bãi, nhưng các chất thải rắn cần đến vài ngày, vài tuần, vài tháng, vài năm, thậm chí lên đến hàng trăm năm, hàng triệu năm mới có thể phân hủy được trong các môi trường khác nhau.
Ảnh: Thời gian phân hủy các chất thải rắn trong môi trường nước,
môi trường đất
Để bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp cũng như giữ lại nguồn tài nguyên quý giá cho con cháu các thế hệ sau này của chúng ta, việc làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải rắn hiện tại luôn là mối quan tâm của các cơ quan chức năng và người dân.
Góp phần lớn trong công tác sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải rắn phát sinh chính là phân loại rác tại nguồn. Theo Điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Là các loại chất thải rắn được làm từ nhựa có ký hiệu tái chế, giấy, bìa carton, thủy tinh, sắt thép kim loại… có thể bán cho các cơ sở thu mua phế liệu hoặc giao cho đơn vị thu gom của địa phương.
Rác thải thực phẩm: Là các loại chất thải hữu cơ có nguồn gốc từ quá trình nấu nướng trong gia đình như thịt, cá, rau củ hư hỏng, bã trà, cà phê, thức ăn thừa thải bỏ, hết hạn sử dụng, vỏ trứng, xác động vật, cỏ cây, hoa lá,… các loại này dễ phân hủy tự nhiên trong môi trường.
Rác thải rắn khác: Là các chất thải rắn không có khả năng tái chế cũng như không nằm trong nhóm chất thải rắn thực phẩm như hộp xốp, vỏ kẹo bánh, tả bỉm, đồ sành, sứ, gốm vỡ, quần áo cũ, giày dép, hộp quẹt, đầu lọc thuốc lá…
Ngoài ra còn có chất thải nguy hại như bóng đèn huỳnh quang hỏng, pin thải, bình gas, bình xịt côn trùng, nhiệt kế,…
Các loại chất thải rắn trên được chứa trong các thùng rác riêng biệt và bàn giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo đúng quy định. Đối với các loại chất thải rắn cồng kềnh thì chủ nguồn thải cần liên hệ với đơn vị thu gom thỏa thuận vận chuyển, tránh tình trạng vứt bừa bãi.
Lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn:
- Bảo vệ môi trường bằng việc giảm lượng chất rắn thải ra;
- Giúp quá trình xử lý chất rắn thải hiệu quả hơn;
- Sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng, góp phần tiết kiệm tài nguyên, tăng kinh tế cho gia đình;
- Tận dụng các rác thải hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc sử dụng để ủ phân trồng cây, làm thức ăn cho gia súc gia cầm.
Xử phạt khi không thực hiện phân loại rác tại nguồn:
Việc không thực hiện phân loại rác tại nguồn và bảo vệ môi trường trong vấn đề quản lý chất thải rắn cũng sẽ bị xử lý theo các quy định rõ ràng sau:
Khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;
Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường, gồm: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera sẽ ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định để xử phạt nguội.
Theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định đây là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền gấp 02 đối với cá nhân.
Tổng hợp